Thứ Năm, 28 tháng 8, 2014

Nâng niu những đồng tiền sạch

Con hẻm sâu hun hút. Vắng lặng. Thỉnh thoảng một vài người vội đến rồi cũng vội đi. Nằm ngay trung tâm thành phố nhưng mấy ai biết được xóm nghèo này. Nơi đây hội tụ hàng trăm mảnh đời từ vùng quê Phú Yên dạt vào. Họ chỉ chuyên một nghề: bán vé số dạo...

Nhọc nhằn nghề bán vé số
Nằm trên đường Nguyễn Trãi, men theo hông nhà khách Phương Nam (P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1, TP.HCM) đi sâu vào bên trong, xóm vé số Phú Yên luôn yên ắng.
Mỗi ngày khoảng từ 15g đến 17g mới nhộn nhịp được một chút. Đây là thời điểm họ trở về để trả vé ế, để lấy vé mới và cũng thanh toán các khoản nợ trong ngày.
Cũng trong thời gian ngắn ngủi này, những người bán vé số tranh thủ tắm giặt, ngồi lại bên nhau trao đổi những vui buồn của một ngày vất vả, nhiều khi vì thêm hoa hồng của việc đổi những tờ vé số trúng kqxs mà lại bị lừa hết vốn liếng, họ không biết kêu ai nên đành chia sẻ với nhau cho qua cực nhọc.
Sau đó, mỗi người một hướng cho đến khuya mạnh ai nấy về, âm thầm ru mình vào giấc ngủ.
Xóm vé số Phú Yên

Tin xổ số theo những người cố cựu ở vùng này, xóm vé số hình thành vào những năm đầu của thập niên 1990.
Ban đầu chỉ vài người từ Phú Yên vào đây tìm chỗ trọ trước khi quyết định cho mình một cách mưu sinh. Họ làm quen với lối sống, với sinh hoạt của người thành phố cuối cùng chọn nghề bán vé số làm kế sinh nhai.
Sau những thành công bước đầu, những người bán vé số trở về lại quê hương rủ thêm họ hàng, bà con, bạn bè mà kinh tế gia đình đang lâm vào ngõ cụt vào đây cùng kiếm sống.
Mỗi người tự lập cho mình một nhóm từ 15 – 30 người và nghiễm nhiên họ trở thành nhà đại lý. Mỗi đại lý đảm nhận bao bọc những người cơ nhỡ này từ chỗ ở đến bữa ăn.
Vé số được giao họ chỉ thu tiền vào lúc trước giờ mở số 1 giờ. Vé nào còn thì trả lại, vé nào bán được thì thanh toán tiền theo giá gốc qui định. Người lãnh số đi bán phải trích trong số tiền lãi hàng ngày 8% trả cho đại lý chi phí sinh hoạt ăn ở. Nhờ vậy, hàng trăm người có điều kiện cứu vãn được kinh tế gia đình.
Ông Lương Vĩnh An (65 tuổi), một đại lý ở xóm này cho biết, đa số bà con vào đây bán vé số đều có gốc gác ở 2 huyện Tây Hòa và Đông Hòa của tỉnh Phú Yên.
Trải qua hơn 20 năm, nhiều người nhờ vào nghề bán vé số đã đổi đời. Nói như thế, không có nghĩa là nghề này dễ dàng làm giàu. Không dễ chút nào hết.
Hàng ngày, bà con phải dầm mưa dãi nắng đi bộ hàng chục cây số mới bán hết được vài trăm tờ vé số. Mỗi tờ chỉ lãi 1000 đồng thì 1àm sao mà làm giàu được? Nhưng – ông An nói tiếp – nhờ có số tiền lãi này họ gởi về quê cho con ăn học. Các cháu có đứa thành tài có đứa nên danh phận thì cha mẹ chúng không đổi đời sao được?
Trải qua một thời gian dài, xóm vé số Phú Yên đã chứng kiến biết bao chuyện đổi thay của từng số phận.
Hiện có khoảng 20% người bán vé số ở đây có con lên đại học. Số cao đẳng, cấp 3 thì vô số kể.
Được vậy nhờ vào quyết tâm của những người làm cha làm mẹ, của những người đồng hương tốt bụng cưu mang. Nghĩa cử đó, lòng quyết tâm đó dường như đã bơm thêm nghị lực cho những đứa trẻ, thôi thúc chúng dùi mài học tập để có cơ hội đáp đền ơn dưỡng dục. . .
Không có nghề nào xấu
Cái gì cũng có 2 mặt của nó. Ông An trầm ngâm: nghề bán vé số xem ra cũng không suôn sẻ đâu anh. Hầu như ngày nào cũng có người gặp sự cố. Khi thì bị giật, lúc thì bị “xiếc” số nghĩa là một xấp vài trăm tờ bị lấy vài chục không hay biết.
Cũng có người bị đổi số trúng mà lại số cạo sửa tinh vi. Dường như những thủ đoạn của bọn bất lương nhắm vào những người bán vé số đều đạt được kết quả.

Ông Lương Vĩnh An và những đồng hương bán vé số
Ông thuật lại câu chuyện của một người bán vé số gặp một khách hàng rất sang trọng. Chỉ trao đổi vài lời với khách người bán vé lột sạch trong người từ vé số đến số tiền còm cõi đưa hết cho người đó.
Cũng có kẻ ra vẻ hào hoa mua hết xấp vé số không trả tiền viện lý do không đủ. Thế lại một chỉ vàng để về lấy tiền, nhưng người khách một đi không trở lại. đến lúc xem lại vàng thì ôi thôi... vàng giả.
Hầu hết những người bán vé số đều được các đại lý cưu mang nên mỗi lần gặp sự cố họ đều được ghi nợ rồi trả dần, nhưng cũng có những trường hợp đáng thương đành phải xóa nợ.
Như đã nói, những người bán vé số ở khu vực này đa số đều là nông dân vùng quê. Không ruộng đất, không tài sản, cái quí nhất của họ là những giọt mồ hôi.
Họ không kể nắng mưa cốt làm sao kiếm về được đồng lãi. Nhưng cũng có vài trường hợp làm xấu đi hình ảnh đáng thương của những người cùng khổ.
Có vài người từng tạo ra cảnh giả, vờ bị giật khóc than kêu gào làm mủi lòng người đi đường để được nhận những đồng tiền thương hại. Trường hợp này không nhiều, nhưng không phải là không có.
Trong lúc chúng tôi trò chuyện, chị Nguyễn Thị Vân (45 tuổi) ngồi gần đó đang xếp từng xấp vé số và kiểm lại tiền trước khi đi bán.
Chúng tôi đưa máy lên, chị bẽn lẽn tránh ống kính. "Đừng chụp anh ơi! Hình ảnh này đưa lên báo làm sao mấy đứa con em có chồng được..." - chị nói, mà xót xa.
Chị Nguyễn Thị Vân, nhờ vé số nuôi 3 con thành đạt
Ông An xua tay nói với chị: “10 năm bán vé số không chồng nuôi 3 đứa con gái ăn học thành tài là xấu hay sao mà sợ? Nghề bán vé số không xấu! Đồng tiền kiếm được bằng chính công sức lao động của mình cô phải xem đó là niềm tự hào chứ không thể tự ti như thế được!"
Ông An nói đúng! Đồng tiền kiếm được bằng chính công sức lao động của mình luôn là những đồng tiền sạch. Rất vinh quang, và rất đáng tự hào.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét